Chào mừng anh chị truy cập Cổng thông tin Cựu sinh viên Trường Đại Học Mở Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch Unilever Việt Nam: Thành công không quan trọng bằng hạnh phúc

Cựu sinh viên OU Nguyễn Thị Bích Vân, Chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch Unilever Việt Nam từ đầu tháng 4/2017.

“Tôi là người hạnh phúc”

Bắt đầu làm việc tại Unilever cách đây 21 năm, bà đã trải qua nhiều vị trí quản lý trong Công ty, như quản lý nhiều nhãn hàng, ngành hàng, từ tiếp thị sang phát triển khách hàng, từ vùng sang toàn cầu hay Phó chủ tịch cấp cao Phát triển khách hàng khu vực Đông Nam Á, châu Úc và giờ là Chủ tịch Unilever Việt Nam. Chắc hẳn đó là một hành trình đáng nhớ!

Tôi đã làm việc trong Ban lãnh đạo Công ty từ năm 2006 và khi làm việc, không chỉ tôi, mà tất cả 1.500 nhân viên Unilever Việt Nam đều làm hết khả năng có thể, bằng đam mê của mình. Lúc nào, bản thân tôi cũng phải luôn cố gắng hoàn thiện vai trò được giao, bổ sung các kỹ năng, kiến thức về lãnh đạo để luôn sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam

Trong Công ty, để hoàn thiện bản thân, chúng tôi luôn được tạo cơ hội để học hỏi từ đồng nghiệp, từ “lính” hay sếp của mình, để có thể làm được những việc vượt ngoài khả năng tưởng tượng. Tôi không biết khi nào mình có thể sẵn sàng đảm nhiệm vị trí này, chỉ biết rằng, hôm nay phải hoàn thiện mình hơn hôm qua.

Ở vị trí này, bà nghĩ mình đã thành công chưa?

Đối với tôi, chữ thành công không quan trọng bằng chữ hạnh phúc. Dĩ nhiên, tôi là người hạnh phúc. Mỗi người có một khái niệm về thành công hay hạnh phúc khác nhau và mọi thứ trên đời này luôn mang nghĩa tương đối. Một ngày mà những người xung quanh tôi, từ đồng nghiệp, người thân, đều cảm thấy vui vẻ, thì tôi cũng hạnh phúc bằng những giá trị mình mang đến cho họ.

Người lãnh đạo phải nhận thức vai trò của mình ảnh hưởng đến tổ chức như thế nào; phải có tầm nhìn, nắm rõ mục đích mà tổ chức muốn đi đến và có khả năng truyền cảm hứng cho mọi người để cùng đi đến đích; phải hỗ trợ để kéo mọi người đi đến đích. Không loại trừ khả năng người lãnh đạo sẽ gặp thách thức khi đối mặt với các khó khăn, nhưng điều khác biệt là phải biết cân bằng vai trò của mình với giá trị mang lại cho tập thể.

Làm thế nào để bà có thể cân bằng giữa những thách thức và nhiệm vụ phải làm trong vai trò người lãnh đạo?

Mọi thứ phải đến từ nội lực, niềm tin, ý chí của mình, đó là tâm và trí. Tâm là trái tim để giúp mình biết làm như thế cho phải đạo, hài hòa lợi ích của tất cả mọi người. Trí là khối óc để đưa ra nhận định sáng suốt cho bất cứ vấn đề nào. Kết hợp cả hai yếu tố trên sẽ giúp mỗi người có thêm kinh nghiệm, biết việc gì nên làm trước, làm sau và làm như thế nào.

Bà nghĩ mình là người như thế nào?

Tôi nghĩ nên để mọi người nhận xét về tôi thì sẽ chính xác hơn. Nhưng nếu tự đánh giá, tôi nghĩ mình là người hạnh phúc, dễ gần. Tôi có thể làm hết sức, chơi hết mình với các đồng sự và đặc biệt thích dành thời gian làm việc, trao đổi với các bạn trẻ để cảm nhận nguồn năng lượng và sự sáng tạo không giới hạn từ họ.

“Ngọc không mài sẽ không sáng”

Được biết, ngay từ những ngày đầu đặt chân vào Việt Nam, Unilever đã xác định Unilever Việt Nam sẽ phục vụ người tiêu dùng Việt Nam và sẽ được điều hành bởi người Việt Nam...

Chiến lược của Công ty là phát triển tài năng Việt, đặc biệt là những tài năng trẻ và đầy nhiệt huyết, vì họ chính là những hạt giống, là đội ngũ kế thừa cho các thế hệ lãnh đạo của Công ty. Qua nhiều năm thực hiện chiến lược trên, có rất nhiều người Việt Nam đã được đề bạt và hiện có tới hơn 90% thành viên trong Ban lãnh đạo, các trưởng phòng ban là người Việt trẻ tuổi (U30, U40).

Unilever Việt Nam cho rằng, mọi bạn trẻ đều có cơ hội trở thành lãnh đạo, thưa bà?

Đúng vậy. Văn hóa về đào tạo và phát triển con người tại Unilever khiến tôi rất tự hào. Chúng tôi không chỉ phát triển nhân sự phục vụ Công ty tại Việt Nam, mà còn “xuất khẩu” người tài cho Unilever ở các nước khác nữa.

Văn hóa của chúng tôi là cam kết về phát triển thế hệ kế thừa, bởi lẽ rất ít người sau khi ra trường có thể làm việc ngay mà đáp ứng các yêu cầu từ nhà tuyển dụng. Do đó, một mặt, chúng tôi phải đào tạo họ để cùng đưa Công ty đi tới đích mà mình muốn, mặt khác, đó là trách nhiệm của chúng tôi trong việc xây dựng đội ngũ kế thừa. Mỗi lãnh đạo là một giáo viên và cam kết dành thời gian huấn luyện “1 thầy - 1 trò” với nhân viên để cùng nhau đi về đích.

Liên tục từ năm 2013 đến nay, Unilever Việt Nam được bình chọn là “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”. Unilever đã làm gì để xây dựng được đội ngũ nhân sự phù hợp?

Mỗi thị trường mà Unilever đặt trụ sở đều có cách tuyển dụng khác nhau. Ở Việt Nam, chúng tôi tập trung vào đào tạo và phát triển nhân tài. Năm 2016, Unilever Việt Nam cũng được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam và tôi cho rằng, điều đó xuất phát từ những cam kết đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho nhân viên của mình.

Để nói điều gì đã làm nên giải thưởng trên, thì tôi nghĩ, đó chính là đội ngũ nhân sự tài năng và tâm huyết mà chúng tôi đã gây dựng được trong hơn 20 năm qua bằng chiến lược phát triển tài năng Việt để phục vụ chính người tiêu dùng Việt. Chiến lược này gồm rất nhiều việc, từ tuyển dụng sinh viên mới ra trường; xây dựng chương trình đào tạo đặc biệt trong nước và ngoài nước để họ học hỏi, phát huy tối đa năng lực làm việc, cho đến giao quyền lãnh đạo cho những người trẻ. Cùng với đó là một môi trường làm việc bình đẳng.

Tôi tin rằng, bất kỳ công ty nào hoạt động vì một mục đích ý nghĩa, tuân thủ các giá trị cốt lõi mà mình đề ra, luôn cam kết giúp mọi thành viên mỗi ngày một hoàn thiện bản thân hơn, thì công ty ấy xứng đáng là nơi tốt nhất để làm việc.

Bà đánh giá thế nào về chất lượng lao động Việt Nam?

Hiện rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam bức xúc khi phải dùng tiền để “mua” nhân sự chất lượng cao. Nếu mãi đi “mua” như vậy thì giá dần càng cao, trong khi rất nhiều thanh niên ra trường không có cơ hội phát triển. Chúng ta phải chung tay xây dựng đội ngũ lao động hoàn thiện hơn cho phát triển kinh tế chung của Việt Nam.

Tôi từng dành rất nhiều thời gian để nói chuyện với các sinh viên tại chương trình ngày hội việc làm của Công ty và nhận thấy, các bạn ấy rất cầu tiến và ham học hỏi, nhưng chưa có định hướng công việc rõ ràng. Trách nhiệm của các doanh nghiệp là giúp sinh viên trở thành nhân lực chất lượng cao cho mình qua việc chia sẻ, thấu hiểu tầm nhìn của Công ty.

So với 5 năm trước, chất lượng lao động hiện đã tốt hơn nhiều. Dù vẫn còn nhiều thành kiến về lao động Việt Nam, nhưng tôi nghĩ, rất nhiều người chưa có đánh giá đúng mực về vấn đề này và tôi tin rằng, ngọc không mài sẽ không sáng.

Unilever là một trong những công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình và thực phẩm.

Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 1995, Unilever Việt Nam hiện có hơn 1.500 nhân viên trên toàn quốc và gián tiếp tạo việc làm cho hơn 15.000 người lao động thông qua các bên thứ ba, nhà cung cấp và nhà phân phối.

Với rất nhiều nhãn hàng như OMO, P/S, Clear, Pond’s, Knorr, Lifebuoy, Sunsilk, VIM, Lipton, Sunlight, VISO, Rexona..., ước tính mỗi ngày, có khoảng 35 triệu người tiêu dùng trên toàn quốc sử dụng sản phẩm của Unilever Việt Nam.

Hồng Phúc (http://baodautu.vn/chu-tich-unilever-viet-nam-thanh-cong-khong-quan-trong-bang-hanh-phuc-d63377.html)

Doanh nghiệp hợp tác